Việc niêm yết cổ phiếu là một trong những mục tiêu mà đại đa số các doanh nghiệp đều hướng tới. Bởi nó không chỉ giúp doanh nghiệp nâng cao vị thế của mình trên thị trường, mà qua đó còn nhận được sự đánh giá tích cực từ phía công chúng. Vậy điều kiện niêm yết cổ phiếu bao gồm những gì? Quy trình niêm yết cổ phiếu thường được thực hiện như thế nào? Tất cả sẽ được giải đáp trong bài viết dưới đây của ReviewsanFX. Mời bạn đọc đón xem nhé!
Niêm yết cổ phiếu là gì?
Niêm yết cổ phiếu là quá trình mà một doanh nghiệp đưa cổ phiếu của mình lên sàn giao dịch chứng khoán, cho phép các nhà đầu tư công chúng mua bán cổ phần của công ty đó một cách hợp pháp và minh bạch. Khi một doanh nghiệp thực hiện niêm yết cổ phiếu, điều này đồng nghĩa với việc của phiếu của họ chính thức được giao dịch công khai trên các sàn như HOSE (Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM), HNX (Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội) hoặc UPCoM (thị trường giao dịch dành cho công ty đại chúng chưa niêm yết).

>Tham khảo thêm:
- Cổ phiếu là gì? Từ A-Z các kiến thức cần nắm về cổ phiếu cho người mới
- Đâu là những yếu tố chính ảnh hưởng đến giá cổ phiếu?
- Tổng hợp Top 5 cổ phiếu đáng mua nhất năm 2025
- Cổ phiếu vs trái phiếu: Nên đầu tư vào đâu để sinh lời hiệu quả năm 2025?
Mục đích các công ty muốn niêm yết cổ phiếu là gì?
Các tổ chức, doanh nghiệp khi phát hành cổ phiếu đều có những mục đích khác nhau. Tuy nhiên, dưới đây là một số mục tiêu cơ bản nhất khi họ quyết định niêm yết cổ phiếu:
- Thiết lập mối liên kết giữa doanh nghiệp phát hành và sàn giao dịch chứng khoán. Qua đó, xác định rõ trách nhiệm và nghĩa vụ của công ty về việc công bố thông tin một cách minh bạch, trung thực và công bằng.
- Góp phần duy trì sự ổn định của thị trường chứng khoán, vì các cổ phiếu được niêm yết đều phải trải qua quá trình thẩm định nghiêm ngặt, giúp nhà đầu tư tránh được những mã cổ phiếu kém uy tín.
- Cung cấp dữ liệu đầy đủ cho nhà đầu tư về tình hình hoạt động cũng như kết quả kinh doanh của doanh nghiệp phát hành.
- Việc niêm yết cổ phiếu còn giúp đảm bảo được tính minh bạch về giá, khi giá cổ phiếu được hình thành dựa trên quy luật cung cầu thị trường.
Hồ sơ cần chuẩn bị để đăng ký niêm yết cổ phiếu
- Giấy đăng ký niêm yết cổ phiếu;
- Quyết định của Đại hội đồng cổ đông kỳ gần nhất thông qua việc niêm yết cổ phiếu;
- Sổ đăng ký cổ đông của tổ chức đăng ký niêm yết được lập trong thời hạn 01 tháng trước thời điểm nộp hồ sơ đăng ký niêm yết;
- Bản cáo bạch theo mẫu của Bộ Tài chính;
- Cam kết của cổ đông là thành viên Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát, Giám đốc (Tổng Giám đốc), Phó Giám đốc (Phó Tổng Giám đốc), Kế toán trưởng và cam kết của cổ đông lớn là người có liên quan với thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Giám đốc (Tổng Giám đốc), Phó Giám đốc (Phó Tổng Giám đốc) và Kế toán trưởng của công ty nắm giữ 100% số cổ phiếu do mình sở hữu trong thời gian 06 tháng kể từ ngày niêm yết và 50% số cổ phiếu này trong thời gian 06 tháng tiếp theo;
- Hợp đồng tư vấn niêm yết (nếu có);
- Giấy cam kết hạn chế tỷ lệ tham gia của bên nước ngoài theo quy định của pháp luật đối với lĩnh vực kinh doanh đặc thù (nếu có);
- Danh sách những người có liên quan đến các thành viên Hội đồng quản trị, Ban Giám đốc, Ban Kiểm soát và Kế toán trưởng;
- Giấy chứng nhận của Trung tâm lưu ký chứng khoán về việc cổ phiếu của tổ chức đó đã đăng ký, lưu ký tập trung;
- Văn bản chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng cổ phần.
Quy định niêm yết cổ phiếu chung trên các sàn chứng khoán
– Vốn điều lệ
Căn cứ theo quy định tại Điều 15 Luật chứng khoán 2019, vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký chào bán từ 30 tỷ VNĐ trở lên, tính theo giá trị ghi trên sổ kế toán.
– Thời gian và kết quả hoạt động
- Doanh nghiệp đăng ký niêm yết phải là công ty cổ phần đã hoạt động tối thiểu 01 năm, trừ trường hợp là Doanh nghiệp Nhà Nước thực hiện cổ phần hóa gắn liền với việc niêm yết
- Trong 02 năm liên tiếp trước thời điểm nộp hồ sơ, doanh nghiệp cần có kết quả kinh doanh dương, tức là phải có lãi và không được ghi nhận lỗ lũy kế đến năm đăng ký niêm yết.
- Tại thời điểm làm thủ tục niêm yết cổ phiếu, doanh nghiệp không được vi phạm pháp luật hoặc thuộc diện bị điều tra, truy tố, xét xử hình sự, đặc biệt là các tội liên quan đến trật tự quản lý kinh tế. Hoặc chưa được xóa án tích về các tội danh này.

– Cơ cấu cổ đông
- Doanh nghiệp phải xây dựng phương án phát hành cổ phiếu và kế hoạch sử dụng nguồn vốn thu được từ đợt niêm yết, và các nội dung này cần được Đại hội đồng cổ đông phê duyệt.
- Ít nhất 15% số cổ phiếu có quyền biểu quyết của Công ty phát hành phải được bán cho tối thiểu 100 nhà đầu tư không phải cổ đông lớn. Nếu vốn điều lệ của công ty phát hành đạt từ 1 nghìn tỷ VNĐ trở lên, thì tỷ lệ này sẽ tối thiểu là 10%.
- Các cổ đông lớn đang nắm giữ cổ phần tại thời điểm trước khi doanh nghiệp thực hiện đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng phải cam kết tiếp tục sở hữu ít nhất 20% vốn điều lệ của công ty trong thời gian tối thiểu 01 năm kể từ khi đợt chào bán kết thúc.
– Các điều kiện khác mà công ty phát hành cổ phiếu cần thực hiện
- Doanh nghiệp muốn thực hiện niêm yết cổ phiếu cần chuẩn bị hồ sơ đăng ký đầy đủ và hợp lệ theo các quy định pháp lý hiện hành.
- Trừ trường hợp tổ chức phát hành là công ty chứng khoán, doanh nghiệp phải có đơn vị tư vấn là công ty chứng khoán hỗ trợ trong quá trình lập hồ sơ chào bán cổ phiếu ra công chúng.
- Công ty chứng khoán có trách nhiệm mở tài khoản phong tỏa để tiếp nhận nguồn tiền từ nhà đầu tư mua cổ phiếu trong đợt chào bán lần đầu.
- Ngoài ra, trong thời hạn 02 năm trước khi đăng ký niêm yết, cả doanh nghiệp và người đại diện theo pháp luật không được vi phạm các quy định nghiêm cấm liên quan đến hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán dẫn đến bị xử lý hoặc truy cứu trách nhiệm.
Điều kiện niêm yết cổ phiếu trên các sàn chứng khoán cụ thể
Trên thực tế, mỗi sàn giao dịch chứng khoán có thể áp dụng những tiêu chuẩn và điều kiện niêm yết riêng biệt, thậm chí còn khắt khe hơn quy định chung. Vì vậy, trước khi thực hiện thủ tục niêm yết, doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ lưỡng các yêu cầu cụ thể từ sàn mà mình dự kiến tham gia.
Dưới đây là điều kiện niêm yết cổ phiếu điển hình tại các sàn giao dịch chứng khoán lớn:
Điều kiện niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE
Để được niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE), công ty phải đáp ứng các điều kiện đặc biệt sau:
- Vốn điều lệ đã góp từ 120 tỷ VNĐ trở lên tính theo giá trị ghi trên sổ kế toán tại thời điểm đăng ký niêm yết
- Thời gian hoạt động ít nhất 02 năm dưới hình thức Công ty Cổ phần.
- Kết quả hoạt động 02 năm liền trước năm đăng ký niêm yết phải có lãi.
- Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) tại thời điểm gần nhất tính tới thời điểm đăng ký niêm yết đạt tối thiểu 5%.
- Công ty không có nợ quá hạn trên 01 năm tính tới thời điểm đăng ký niêm yết.
- Tính tới thời điểm đăng ký niêm yết, công ty không có lỗ luỹ kế.
- Phải có tối thiểu 20% cổ phiếu có quyền biểu quyết do ít nhất 300 cổ đông không phải cổ đông lớn nắm giữ, trừ trường hợp DNNN chuyển đổi thành công ty cổ phần theo quy định.
- Các cổ đông lớn phải cam kết nắm giữ 100% số cổ phiếu do mình sở hữu trong vòng 6 tháng kể từ ngày niêm yết và 50% số cổ phiếu trong 6 tháng tiếp theo, không tính cổ phiếu thuộc sở hữu của Nhà nước.

Điều kiện niêm yết cổ phiếu trên sàn HNX
Đối với Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), để được niêm yết cổ phiếu, công ty phải đáp ứng các điều kiện đặc biệt sau:
- Vốn điều lệ đã góp từ 30 tỷ đồng Việt Nam trở lên tính theo giá trị ghi trên sổ kế toán tại thời điểm đăng ký niêm yết
- Công ty hoạt động ít nhất 01 năm dưới hình thức công ty cổ phần tại thời điểm đăng ký
- Năm liền trước năm đăng ký niêm yết trên sàn chứng khoán phải có lãi
- Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) tại thời điểm gần nhất tính tới thời điểm đăng ký niêm yết đạt tối thiểu 5%
- Không có nợ quá hạn trên 01 năm, không có lỗ luỹ kế tại thời điểm đăng ký niêm yết
- Công ty không thuộc trường hợp vi phạm pháp luật hay các vi phạm liên quan đến vấn đề kế toán và báo cáo tài chính
- Phải có tối thiểu 15% cổ phiếu có quyền biểu quyết do ít nhất 100 cổ đông không phải cổ đông lớn nắm giữ, trừ trường hợp DNNN chuyển đổi thành công ty cổ phần theo quy định
- Các cổ đông lớn phải cam kết nắm giữ 100% số cổ phiếu do mình sở hữu trong vòng 6 tháng kể từ ngày niêm yết và 50% số cổ phiếu trong 6 tháng tiếp theo, không tính cổ phiếu thuộc sở hữu của Nhà nước.

Điều kiện niêm yết cổ phiếu trên UPCoM
Để có thể được niêm yết ở trên sàn giao dịch UPCoM, công ty cũng cần đáp ứng các quy định niêm yết cổ phiếu nhất định. Tuy nhiên, so với với hai sàn giao dịch lớn là HNX và HOSE, các yêu cầu về tính minh bạch thông tin, khả năng thanh khoản cũng như tiêu chuẩn chất lượng doanh nghiệp tại UPCoM được đánh giá là dễ tiếp cận hơn. Các đối tượng đủ điều kiện đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM bao gồm:
- Công ty đại chúng không niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán
- Công ty bị hủy bỏ niêm yết bắt buộc hoặc hủy bỏ niêm yết tự nguyện nhưng vẫn đáp ứng điều kiện là công ty đại chúng
- Doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc đối tượng phải đăng ký giao dịch theo quy định pháp luật
Để trở thành công ty đại chúng, công ty cổ phần phải thỏa mãn một trong hai điều kiện quy định niêm yết cổ phiếu tại Luật Chứng khoán như sau:
- Công ty có vốn điều lệ đã góp từ 30 tỷ VNĐ trở lên và có tối thiểu là 10% số cổ phiếu có quyền biểu quyết do ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông lớn nắm giữ
- Công ty đã thực hiện chào bán thành công cổ phiếu lần đầu ra công chúng thông qua đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

Nói tóm lại, để đủ điều kiện giao dịch trên sàn UPCoM thì doanh nghiệp phải thỏa mãn là: công ty đại chúng và thuộc một trong các đối tượng được đăng ký giao dịch đã nêu trên.
Quy trình niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán
Doanh nghiệp phải thực hiện đúng theo quy trình 6 bước dưới đây để cổ phiếu được niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán:
Bước 1: Nộp hồ sơ đăng ký niêm yết
Doanh nghiệp có thể nộp hồ sơ đăng ký niêm yết trực tiếp tại Sở Giao dịch Chứng khoán hoặc gửi qua đường bưu điện. Trong quá trình thẩm định, nếu hồ sơ không đáp ứng đầy đủ các tiêu chí theo như yêu cầu của Sở Giao dịch Chứng khoán, hồ sơ đó sẽ bị từ chối.
Bước 2: Thẩm định hồ sơ
Sở Giao dịch Chứng khoán sẽ thực hiện việc thẩm định sơ bộ hồ sơ đăng ký niêm yết, tập trung vào các nội dung như:
Điều khoản thành lập công ty; tổ chức nhân sự, hội đồng quản trị, ban giám đốc…; hoạt động nắm giữ cổ phiếu, chia lợi nhuận, quyền lợi của hội đồng quản trị,…; các vấn đề về nợ (phải thu, phải trả), kiện tụng ảnh hưởng đến công ty; khả năng sản xuất, kinh doanh, đầu tư của công ty; các thông tin về lợi nhuận, cơ cấu vốn, mức độ thanh khoản…
Sau khi hoàn tất quá trình thẩm định, Sở Giao dịch Chứng khoán sẽ đưa ra quyết định chính thức và gửi thông báo đến doanh nghiệp có yêu cầu niêm yết cổ phiếu.
Bước 3: Nộp đơn xin niêm yết chính thức
Sau khi hoàn tất bước thẩm định sơ bộ, doanh nghiệp có nhu cầu niêm yết cần nộp hồ sơ đăng ký chính thức kèm theo một số tài liệu bổ sung theo yêu cầu của Sở Giao dịch Chứng khoán. Các tài liệu này bao gồm:
Đơn xin niêm yết theo mẫu của SGDCK; giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do cơ quan có thẩm quyền cấp; điều lệ tổ chức và hoạt động của công ty đã được phê chuẩn; mẫu chứng chỉ chứng khoán niêm yết, mệnh giá, số lượng mỗi loại chứng khoán cần được niêm yết; và những giấy tờ khác mà SGDCK yêu cầu.

Sau khi nộp hồ sơ, doanh nghiệp sẽ tiến hành ký kết hợp đồng niêm yết với SGDCK, trong đó quy định rõ quyền và nghĩa vụ của các bên tại bước này.
Bước 4: Kiểm tra niêm yết
Khi tiếp nhận đơn đề nghị niêm yết cùng với hợp đồng niêm yết, Sở Giao dịch Chứng khoán sẽ tiến hành rà soát và đối chiếu tính hợp pháp cũng như độ chính xác của các thông tin trong hồ sơ, nhằm đảm bảo phù hợp với các điều kiện niêm yết do Sở quy định.
Bước 5: Chấp thuận hoặc từ chối đăng ký niêm yết
Sau khi hồ sơ được Hội đồng niêm yết xem xét, Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về việc chấp thuận hoặc từ chối đề nghị niêm yết. Trong trường hợp từ chối, Sở Giao dịch Chứng khoán có trách nhiệm ban hành văn bản thông báo kèm theo lý do cụ thể để doanh nghiệp được biết.
Bước 6: Hoàn tất thủ tục niêm yết
Sau khi việc niêm yết được phê duyệt, Sở Giao dịch Chứng khoán sẽ xác định và thông báo thời điểm giao dịch đầu tiên của cổ phiếu niêm yết. Vào ngày giao dịch đầu tiên, Sở sẽ phối hợp cùng doanh nghiệp niêm yết tổ chức Lễ khai trương chào mừng sự kiện niêm yết chính thức tại trụ sở SGDCK.
Ưu và nhược điểm của việc niêm yết cổ phiếu
Ưu điểm của việc niêm yết cổ phiếu
- Công ty dễ dàng huy động vốn: Uy tín của doanh nghiệp sẽ được gia tăng, cộng thêm tính thanh khoản cao khi tham gia niêm yết cổ phiếu. Qua đó giúp doanh nghiệp có lợi thế để huy động vốn một cách nhanh chóng, dễ dàng và thuận lợi.
- Tác động đến công chúng
– Để được chấp thuận niêm yết cổ phiếu, doanh nghiệp cần đáp ứng hàng loạt tiêu chí nghiêm ngặt, đặc biệt là các yêu cầu liên quan đến năng lực tài chính, kết quả kinh doanh và các điều kiện khác được quy định trong pháp luật hiện hành.
– Do đó, việc một doanh nghiệp được niêm yết trên sàn chứng khoán góp phần không nhỏ trong việc gia tăng sự uy tín của doanh nghiệp trong mắt công chúng và các nhà đầu tư. Có thể xem đây là một phương thức marketing rất hữu hiệu cho hoạt động kinh doanh hay tìm kiếm đối tác.

- Tăng tính thanh khoản cho cổ phiếu: Việc cổ phiếu của doanh nghiệp được niêm yết giúp việc chuyển nhượng cổ phiếu của các cổ đông trở nên thuận lợi hơn. Từ đó, tăng tính thu hút của cổ phiếu đối với những nhà đầu tư.
- Ưu đãi về thuế: Đây được xem là một trong những lợi ích cực kỳ lớn dành cho những đơn vị nào được niêm yết cổ phiếu. Về những quy định ưu đãi thuế đối với doanh nghiệp niêm yết cổ phiếu, chúng đã được quy định cụ thể và chi tiết trong văn bản pháp luật do Nhà nước ban hành.
Nhược điểm của việc niêm yết cổ phiếu
- Nghĩa vụ báo cáo của một công ty đại chúng
Một trong những điểm bất lợi khi doanh nghiệp niêm yết cổ phiếu là bắt buộc phải minh bạch hóa các thông tin quan trọng như: thông tin về tình hình tài chính, doanh thu hay chiến lược phát triển. Đây đều là những thông tin trọng yếu có tác động rất lớn đến sự thành hay bại của doanh nghiệp. Nên sẽ rất rủi ro nếu các đối thủ cạnh tranh khai thác được những thông tin này.
- Tăng chi phí
Sau khi chính thức niêm yết, mỗi năm doanh nghiệp thường phải tổ chức các hoạt động như công bố thông tin định kỳ và Đại hội đồng cổ đông. Bên cạnh đó, doanh nghiệp phát hành còn cần thuê đơn vị kiểm toán độc lập, thành lập bộ phận quan hệ nhà đầu tư và bố trí nhân sự chuyên trách để tương tác với cổ đông. Những yêu cầu này có thể làm gia tăng đáng kể chi phí vận hành sau khi niêm yết.

Câu hỏi thường gặp về niêm yết cổ phiếu
Thời hạn phê duyệt niêm yết cổ phiếu là bao lâu?
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đăng ký niêm yết đầy đủ và hợp lệ, Sở giao dịch chứng khoán có quyết định chấp thuận niêm yết. Trường hợp từ chối phải trả lời bằng văn bản, có nêu rõ lý do.
Phí đăng ký niêm yết cổ phiếu được quy định như thế nào?
Trước kia, theo thông tư 127/2018/TT-BTC quy định phí đăng ký niêm yết chứng khoán lần đầu là 10 triệu VNĐ đối với cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp, chứng chỉ quỹ đầu tư, công cụ nợ theo quy định tại Luật Quản lý nợ công và 5 triệu đồng Đối với chứng quyền có bảo đảm. Tuy nhiên, đến thông tư 14/2020/TT-BTC sửa đổi một số điều của thông tư 127 đã miễn loại phí này cho doanh nghiệp đăng ký niêm yết lần đầu.
Trên đây là bài viết của ReviewsanFX liên quan đến điều kiện, thủ tục và quy trình các bước niêm yết cổ phiếu tại thị trường chứng khoán Việt Nam. Hy vọng những chia sẻ trong bài viết đã mang đến cho các bạn những kiến thức hữu ích. Cảm ơn bạn đã dành thời gian để theo dõi toàn bộ bài viết của chúng tôi.