Lãi suất và chứng khoán được xem như hai nhân tố trọng yếu, nắm giữ sức mạnh to lớn và chi phối mọi sự vận động của nền kinh tế. Vậy giữa hai nhân tố này có mối quan hệ mật thiết với nhau hay không? Cùng ReviewsanFX tìm hiểu chi tiết trong bài viết ngay sau đây để hiểu rõ hơn về mối quan hệ giữa lãi suất và chứng khoán nhé!
Giải mã mối quan hệ giữa lãi suất và chứng khoán
Lãi suất và chứng khoán có mối liên hệ chặt chẽ, thường xuyên tác động qua lại và ảnh hưởng sâu rộng đến toàn bộ nền kinh tế. Mỗi khi lãi suất – tức chi phí của việc vay vốn – biến động, thị trường chứng khoán cũng sẽ điều chỉnh nhịp điệu vận động của mình một cách rõ rệt.
Lãi suất giảm tạo động lực cho dòng tiền chảy vào TTCK
Khi Ngân hàng Nhà Nước hạ lãi suất điều hành, mặt bằng lãi suất vay sẽ giảm theo, giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn với chi phí thấp hơn. Nhờ đó, các doanh nghiệp có xu hướng tăng vay vốn để mở rộng hoạt động sản xuất và kinh doanh. Điều này đã góp phần thúc đẩy lợi nhuận và khả năng tạo ra dòng tiền của doanh nghiệp, khiến giá cổ phiếu theo đó cũng có xu hướng tăng.

Ngoài ra, mức lãi suất thấp còn khuyến khích các nhà đầu tư cá nhân vay vốn để đầu tư vào các tài sản tài chính thay vì lựa chọn hình thức gửi tiết kiệm. Dòng tiền gia tăng từ nhà đầu tư giúp TTCK trở nên nhộn nhịp hơn, thanh khoản được cải thiện, khiến giá cổ phiếu cũng đi lên nhờ tác động của quy luật cung cầu. Đồng thời, doanh nghiệp cũng được hưởng lợi khi tiếp cận nguồn vốn với chi phí thấp.
Chính vì vậy, lãi suất thấp hơn chính là chất xúc tác cho một nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ thông qua việc kích thích hoạt động vay mượn của cá nhân và doanh nghiệp.
>>Tham khảo thêm:
- Hướng dẫn cách chơi chứng khoán hiệu quả, an toàn 2025
- Tổng hợp top 5 cổ phiếu đáng mua nhất năm 2025
- Tìm hiểu các loại lệnh trong chứng khoán Việt Nam
- Cách tính lợi nhuận chứng khoán đơn giản mà bạn chưa biết
Lãi suất tăng khiến TTCK “giảm nhiệt”
Trong trường hợp lãi suất tăng cao, chi phí vay của doanh nghiệp sẽ tăng theo, ảnh hưởng tiêu cực đến biên lợi nhuận. Do đó, các doanh nghiệp sẽ phải tính toán kỹ lưỡng trước khi thực hiện các kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất hoặc đầu tư mới.
Đứng trên góc nhìn của nhà đầu tư, việc lãi suất gia tăng khiến họ phải đối mặt với chi phí cơ hội cao hơn khi lựa chọn các kênh đầu tư. Tâm lý e ngại rủi ro sẽ khiến dòng tiền dịch chuyển từ TTCK sang các kênh an toàn hơn như gửi tiền vào ngân hàng để vừa bảo toàn vốn, vừa nhận lãi cao.

Tuy nhiên, khi lãi suất bắt đầu bước vào chu kỳ giảm sau khi đã chạm mức đỉnh, đây chính là thời điểm thị trường có khả năng phục hồi nhờ dòng tiền quay trở lại. Nhà đầu tư có hiểu biết cơ bản về chứng khoán sẽ dễ dàng nhận ra cơ hội trong giai đoạn này và chuẩn bị chiến lược phù hợp.
Các yếu tố khác ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa lãi suất và chứng khoán
Không chỉ có lãi suất, trên thực tế vẫn còn nhiều biến số khác nữa có thể ảnh hưởng đáng kể đến mối quan hệ giữa lãi suất và chứng khoán, bao gồm:
- Tình hình kinh tế: Nếu nền kinh tế đang trên đà tăng trưởng, các nhà đầu tư sẽ có xu hướng đầu tư nhiều hơn vào TTCK, bất chấp biến động lãi suất.
- Lợi nhuận của doanh nghiệp: Dù mặt bằng lãi suất chung có tăng, giá cổ phiếu của doanh nghiệp vẫn có thể đi lên nếu doanh nghiệp đó ghi nhận mức lợi nhuận thu được tốt. Nguyên nhân là do nhà đầu tư đặt kỳ vọng vào khả năng tăng trưởng và sinh lời trong tương lai của doanh nghiệp.
- Lạm phát: Khi lạm phát gia tăng, để kiểm soát giá cả thì thường lãi suất cũng sẽ được điều chỉnh tăng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, nó cũng có thể khiến giá cổ phiếu tăng lên. Bởi vì, nhà đầu tư sẽ tìm kiếm các tài sản có công năng bảo vệ tài sản của họ trước lạm phát.
TTCK Việt Nam đã từng phản ứng ra sao sau những lần NHNN hạ lãi suất điều hành?
Nếu nhìn lại TTCK Việt Nam, thì NHNN Việt Nam đã thực hiện tổng cộng 23 lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành tính từ tháng 6/2008 cho đến 11/06/2023. Phản ứng của TTCK phần lớn là tích cực, với 12 phiên giao dịch đầu tiên sau mỗi lần công bố giảm lãi suất ghi nhận mức tăng điểm.

Giai đoạn lạm phát tăng cao 2008 – 2011, khi tỷ lệ lạm phát lên tới 19,89%, NHNN đã liên tục nâng lãi suất, từ mức 7,5% vào cuối tháng 3 lên tới đỉnh 15% vào tháng 6, và duy trì mức này đến tháng 10 cùng năm. Song song đó, lãi suất huy động tại các NHTM cũng tăng mạnh, chạm ngưỡng 17,5–18,5%/năm trước khi được điều chỉnh giảm về mức 9% vào cuối năm 2008. Trong bối cảnh đó, TTCK Việt Nam chứng kiến nhiều biến động đáng kể: VN-Index lao dốc 65,73% trong năm 2008, tăng mạnh 160% từ tháng 2/2009 – tháng 10/2009, sau đó giảm 30% trong năm 2010 và tiếp tục rơi xuống mức 351 điểm vào năm 2011.
Từ năm 2012 – 2018, trong bối cảnh lạm phát dần được kiểm soát, NHNN đã chuyển sang thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng bằng cách hạ lãi suất tái cấp vốn từ 8,5% xuống 6,25%/năm. Động thái này đã tạo điều kiện để lãi suất cho vay tại các NHTM giảm theo. TTCK trong thời kỳ này ghi nhận đà tăng trưởng ổn định, đạt đỉnh 1.204,33 điểm vào tháng 4/2018, trước khi sụt giảm mạnh do ảnh hưởng từ căng thẳng thương mại Mỹ – Trung trong phần còn lại của năm.

Tác động của lãi suất điều hành được thể hiện rõ nét nhất là trong giai đoạn từ 2018 – 2021, đây là thời kỳ nền kinh tế toàn cầu chịu ảnh hưởng từ căng thẳng thương mại Mỹ – Trung và đại dịch COVID-19. Trước tình hình đó, hầu hết các quốc gia, trong đó có Việt Nam, đã lựa chọn hướng đi nới lỏng tiền tệ bằng cách bơm tiền ra thị trường và giảm lãi suất để kích thích tiêu dùng và đầu tư. Cụ thể, lãi suất tái cấp vốn giảm từ 6,25% xuống còn 4% vào cuối năm 2021, trong khi lãi suất huy động 12 tháng giảm từ 6,5%/năm xuống còn 5,7%/năm. Lãi suất liên ngân hàng cũng nhiều thời điểm rơi xuống gần mức 0%. Nhờ môi trường lãi suất thấp, thị trường chứng khoán bùng nổ và thiết lập đỉnh mới ở mốc 1.500 điểm. Theo đó, TTCK đã lập đỉnh cao nhất mọi thời đại 1,500 điểm và cũng là giai đoạn thị trường rất nóng. Nhà đầu tư có kiến thức đầu tư chứng khoán và nắm rõ mối quan hệ giữa lãi suất và chứng khoán có thể quyết định sáng suốt hơn và không bị FOMO theo thị trường trong giai đoạn này.
Tuy nhiên, việc kéo dài chính sách tiền tệ nới lỏng trong nhiều năm đã dẫn đến làn sóng lạm phát toàn cầu, buộc các quốc gia bước vào chu kỳ thắt chặt, trong đó có cả Việt Nam. Trước động thái nâng lãi suất lên tới 4,25% của FED trong năm 2022, Việt Nam cũng phải nâng lãi suất hai lần để bảo vệ đồng nội tệ. Lãi suất tăng nhanh, cộng với việc hút ròng gần 200.000 tỷ đồng khỏi hệ thống, đã khiến dòng tiền rút khỏi TTCK và đổ vào các kênh an toàn như tiết kiệm. Hệ quả là TTCK Việt Nam giảm sâu, VN-Index mất 32,2% và lùi về mốc 1.000 điểm, trong khi thanh khoản cũng giảm tới 20% so với bình quân năm trước.

Bước sang năm 2023, NHNN Việt Nam đã tiến hành 4 đợt giảm lãi suất điều hành, vô hình chung đã kéo theo lãi suất huy động xuống mức thấp kỷ lục, thậm chí còn thấp hơn mức ghi nhận trong giai đoạn cao điểm của đại dịch COVID-19. Dù vậy, tổng số dư tiền gửi trong hệ thống ngân hàng vẫn ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng, đạt trên 13,5 triệu tỷ đồng – tương ứng mức tăng 13,2% so với cùng kỳ năm trước – mức cao nhất từng được ghi nhận, phần lớn xuất phát từ tâm lý thận trọng và né tránh rủi ro của nhà đầu tư trước bối cảnh kinh tế toàn cầu suy yếu. Trong khi đó, TTCK vẫn có những diễn biến tích cực: chỉ số VN-Index chốt năm tại 1.129,93 điểm (tăng hơn 12% so với đầu năm), với tổng giá trị vốn hóa thị trường đạt hơn 240 tỷ USD, tương đương 56,4% GDP; riêng sàn HOSE chiếm khoảng 186 tỷ USD.
Phần kết
Bài viết trên đây đã phân tích rõ về mối quan hệ giữa lãi suất và chứng khoán cho các nhà đầu tư. Hy vọng rằng, những nội dung hữu ích nêu trên sẽ giúp bạn có thêm nhiều kiến thức có giá trị nhất. ReviewsanFX chúc bạn gặt hái được nhiều thành công trên hành trình đầu tư chứng khoán nhé!